PGS.TS Phạm Thành Hưng (bên trái) và nhà thơ Việt Phương Đấy là cái chuyện của con trai thời loạn Năm 1954, Phạm Thành Hưng được sinh ra và lớn lên ở đất Nga Sơn, Thanh Hóa. Vùng đất “Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng” trữ tình với những di tích mang đậm dấu ấn tiền nhân và những câu chuyện về nhân tài đất Việt. Nhưng trong ký ức tuổi thơ của cậu bé Hưng lúc ấy, chỉ thấy một vùng dệt chiếu đau thương, vất vả của người dân quê mình. Theo tiếng gọi của Tổ quốc, năm 1971, chàng sinh viên K15 Khoa Ngữ văn của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội Phạm Thành Hưng đã “xếp bút nghiên lên đường đi chiến đấu” đúng vào giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trước khi lên đường, thầy trở về nhà báo tin với mẹ sẽ lên đường nhập ngũ. Cứ nghĩ rằng mẹ sẽ thương mình lắm, cứ ngồi chờ xem mẹ rơi nước mắt. Nhưng chờ mãi chẳng thấy mẹ khóc, và bà đã nói với thầy nhớ mãi: “Đấy là cái chuyện con trai thời loạn”. Đến bây giờ, mỗi lần nói chuyện với sinh viên, thầy vẫn bông đùa khi nhớ về câu chuyện thời đó: “Vậy là mẹ tôi đã bán tôi cho đất nước!”. Bởi lẽ, hơn ai hết, mẹ thầy hiểu trong chiến tranh, bom đạn hy sinh là chuyện tất yếu, ai rồi cũng phải lên đường vì đất nước, vì quê hương. Và cũng bởi bà là người mẹ mạnh mẽ như biết bao người phụ nữ lúc bấy giờ. Lúc lên đường thầy còn chưa đủ tuổi nhập quân, chỉ mới 17 tuổi, buổi lễ xuất quân ngày mùng 6 tháng 9 năm ấy cũng đi vào ký ức. Tạm biệt mái trường đại học, quê hương, Phạm Thành Hưng cùng với 400 sinh viên của Đại học Tổng hợp Hà Nội lên đường nhập ngũ. Lúc bấy giờ, chiến trường Quảng Trị vô cùng ác liệt. Có những người còn chưa kịp biết mặt, quen tên thì đã hy sinh. Đến tận bây giờ, ký ức không phai trong thầy là câu chuyện vào ngày 23/4/1972, Đại đội Pháo của thầy gặp chiến bại, và hy sinh đến 1/3 số người. Trong trận đánh, một người đồng đội nằm trên tay thầy bị thương toàn thân rất nặng, không có phương tiện gì có thể garo cầm máu. Anh lúc ấy chỉ kêu: “Mẹ ơi! Hưng ơi! Mày phải cứu tao… Máu đồng đội chảy trên tay, còn thầy thì nước mắt chảy. Thầy chẳng thể làm gì, chỉ bất lực nhìn đồng đội mình lạnh dần và hy sinh. Biết bao nhiêu chàng trai đã ngã xuống chiến trường Quảng Trị ở tuổi đẹp nhất. Cách đây chục năm, thầy trở về chiến trường xưa, đã tìm được mộ của người đồng đội năm ấy. Kể đến đây, ánh mắt thầy xa xăm, nhạt nhòa. Người “ăn mày dĩ vãng” Thầy Phạm Thành Hưng cũng như biết bao chiến sĩ khác từng có giây phút “yếu lòng” giữa chiến trường, với nỗi nhớ nhà khôn nguôi, nhớ cha mẹ và nhớ cả mái trường đại học. Đó là những ngày sống giữa chiến trường toàn đạn bom. Bỗng đến một ngày, chiến trường vắng tanh vắng ngắt không một tiếng bom, không một tiếng động hay rên rỉ, chỉ còn mấy tiếng chim cu gáy thảm thương giữa núi rừng. Lúc ấy, chàng lính trẻ Phạm Thành Hưng cảm thấy như rơi vào khoảng không, rùng mình chợt nghĩ: “Chiến tranh có lẽ là định mệnh của dân tộc mình, không biết ngày nào kết thúc và chẳng lẽ dân tộc ta sẽ phải sống với cuộc chiến tranh này mãi hay sao?”. Đấy là lần duy nhất thầy cảm thấy bi quan, nản lòng giữa chiến trận. Sau nhiều lần chết hụt, rồi bị thương, có những ngày đang chiến đấu bị đánh bom, chỉ toàn thấy bóng tối của bụi pháo đen đặc bao phủ trước mắt, người không cử động được thầy tưởng mình đã chết. Rồi những đau khổ của chiến trường tự nhiên đã thôi thúc chàng lính trẻ Phạm Thành Hưng: “Tôi có một ý nghĩ rất chủ quan rằng: tôi không thể chết được và những sinh viên trẻ chúng tôi không chết, chúng tôi sẽ trở về. Chúng tôi sẽ trở về để xua đi nỗi buồn trên gương mặt thầy hiệu trưởng, những người thân trong ngày tiễn biệt lên đường”. Trong số 400 sinh viên xếp bút nghiên lên đường chiến đấu của Đại học Tổng hợp Hà Nội ngày ấy, trở về chỉ khoảng không đầy năm chục người. Số người còn lại ngã xuống, nằm rải rác trên khắp chiến trường Quảng Trị. Mỗi năm, vào các ngày 27-7, 30-4, 28-8 (ngày sinh nhật thầy, cũng là ngày thành lập Sư đoàn 308 trực thuộc Quân đoàn 1, là Đại đoàn bộ binh chủ lực được thành lập đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam vào năm 1949) là những ngày thầy nhớ đồng đội của mình nhất. Hầu như năm nào, thầy cũng vào Quảng Trị, tìm tới Nghĩa trang quốc gia Đường 9, thắp hương cho đồng đội, bạn bè trong đại đội đang nằm yên nghỉ rải rác trên từng khu mộ. Thầy chia sẻ: “Từ nghĩa trang trở về, tôi thấy lòng mình thanh thản hơn, thấy yêu hơn cuộc đời này và tự thấy mình là người may mắn, hạnh phúc. Tôi cũng tự hào vì mình từng chung chiến hào với những liệt sĩ đang nằm lặng lẽ dưới những hàng bia nọ. Họ đã hy sinh như những anh hùng, như những chàng trai vô tư, trong sáng và cao thượng, họ ngã xuống không cần ai ghi nhận công trạng. Tôi tự nhắc mình không nên “ăn mày dĩ vãng”, cố xóa đi nỗi ám ảnh chiến tranh, cố gắng hướng tới tương lai, nhưng rõ ràng quá khứ chiến trận đọng lại trong tôi thành một thứ tài sản tạm gọi là “của để dành”. Mỗi khi buồn, tôi lấy nó ra nhấm nháp, an ủi: thời trai trẻ, mình đã làm được một việc có ý nghĩa ở đời. Nhấm nháp những hồi ức, tôi trở nên rộng lượng, dễ tha thứ cho người khác và cho cả chính bản thân mình”. Bước tiếp sau nỗi đau chiến tranh Bỏ lại một phần tuổi trẻ của mình ở chiến trường ác liệt, thầy trở về tiếp tục hoàn thành chương trình đại học, “học như điên”để bù đắp cho những năm tháng dành cho chiến trận, sau đấy tiếp tục ở lại trường giảng dạy. Năm 1985, thầy đi làm nghiên cứu sinh tại Tiệp Khắc. Năm 1991, thầy về nước và được giao đảm nhiệm hàng loạt nhiệm vụ quan trọng tại Đại học Quốc gia Hà Nội như: phụ trách Tạp chí - Xuất bản thuộc Đại học Tổng hợp Hà Nội, Thư ký tòa soạn Bản tin Đại học Tổng hợp Hà Nội, Phó Chủ nhiệm Khoa Báo chí - ĐH Tổng hợp Hà Nội, Tổng Biên tập - Phó Giám đốc Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, PGS.TS, giảng viên Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội… Ngoài giảng dạy, thầy còn viết nhiều cuốn sách có giá trị như: Cộng hòa Séc - Đất nước, con người; Triết gia lữ hành Trần Đức Thảo, Thuật ngữ báo chí - truyền thông, Ảnh hưởng qua lại giữa báo chí và văn học… Đã hơn 40 năm trôi qua, kể từ ngày lên đường nhập ngũ, những vết thương, như thầy vẫn lạc quan, thi vị hóa nói với mẹ trong thư tay năm ấy là “nho nhỏ, xinh xinh như cái đồng hồ nữ thôi mẹ ạ”, giờ đây đã thành những vết sẹo đi cùng năm tháng. Cả bên tai phải bị thủng màng nhĩ do sức ép của pháo kích. Giờ đây, mỗi lần nói chuyện, thầy vẫn luôn cố gắng lắng nghe bằng bên tai còn lại. Thầy cười hiền bảo: “Người nào không biết, tưởng mình không lịch sự, nói chuyện cứ quay mặt đi chỗ khác”. Bất chấp những di chứng của chiến tranh để lại như vậy, thầy vẫn từng giờ, từng ngày “chiến đấu” trên mặt trận tri thức không ngừng nghỉ. Bước qua ngưỡng tuổi 60, người lính sinh viên ở chiến trường năm nào vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ “trồng người” ở giảng đường, là người thầy của biết bao thế hệ sinh viên trên khắp mọi miền Tổ quốc. “Các bạn bây giờ, tai thính như thế, khỏe mạnh như thế, không có chiến tranh như thời bọn thầy thì hãy tranh thủ học ngoại ngữ, để mở cửa một thế giới mới, bước vào một thời kỳ mới, tiếp thu và làm chủ tri thức, khoa học công nghệ, khoa học xã hội nghiên cứu và đóng góp cho đất nước” - đó là lời chia sẻ chân thành của người thầy thế hệ trước nhắn nhủ đến với các bạn học sinh, sinh viên hiện nay. |
Lê Nhung - Nhân dân Điện tử |