Đối với nhà quản lý
Đánh giá hiệu quả hoạt động động trải nghiệm sáng tạo ban giám hiệu cần đánh giá thông qua các minh chứng sau:
Chương trình giáo dục mà mỗi giáo viên đã tích hợp, xây dựng đáp ứng yêu cầu và mục đích giáo dục.
Kế hoạch hoạt động trải nghiệm sáng tạo của giáo viên trong cả năm học cho một lớp học, kế hoạch hoạt động trải nghiệm sáng tạo đồng tâm cho một lớp trong toàn cấp học.
Minh chứng xác nhận kế hoạch đã được thực hiện và phiếu phản hồi về hiệu quả của hoạt động đối với người học.
Đánh giá thông qua quan sát, dự hoạt động.
Hình thức và nội dung đánh giá có đánh giá được năng lực cần hình thành không.
Đối với giáo viên
Bám theo kế hoạch, giáo viên kiểm tra đánh giá các nhiệm vụ đã giao cho học sinh thực hiện.
Sử dụng các báo cáo tự đánh giá hoạt động của học sinh.
Đánh giá năng lực xã hội của học sinh thông qua các bài trắc nghiệm chuẩn hóa, các bài trắc nghiệm giáo viên tự xây dựng.
Đánh giá năng lực học sinh thông qua các tình huống giả định.
Đánh giá thông qua nhận xét của các giáo viên khác, của gia đình, của người xung quanh về những năng lực và phẩm chất cần hình thành.
Đánh giá thông qua hoạt động thực tế trong cuộc sống.
Sử dụng kết quả đánh giá vào ba mục đích
Việc sử dụng kết quả đánh giá hoạt động trải nghiệm sáng tạo phụ thuộc vào mục đích của việc đánh giá. Do đó, có thể sử dụng kết quả đánh giá đó phục vụ cho ba mục đích sau:
Thứ nhất, sử dụng kết quả để khẳng định mức độ đạt được hay chưa đạt được của học sinh về mặt nhận thức, kĩ năng, thái độ và định hướng giá trị so với các yêu cầu đặt ra của mục tiêu hoạt động, để khẳng định mức độ năng lực, sự trưởng thành, tiến bộ của học sinh sau mỗi hoạt động.
Thứ hai, sử dụng kết quả đánh giá hoạt động phục vụ cho việc đưa ra các quyết định đánh giá và xếp loại hạnh kiểm cuối mỗi học kỳ và năm học.
Thứ ba, sử dụng kết quả kiểm tra – đánh giá để kích thích tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh và tập thể học sinh nỗ lực vươn lên trong rèn luyện, trong học tập và hoạt động xã hội nhằm phát triển nhân cách.
Kết quả kiểm tra đánh giá có ý nghĩa không chỉ đối với công tác của người giáo viên và hoạt động của học sinh mà còn có ý nghĩa đối với công việc của người quản lý trường học, bậc cha mẹ và các lực lượng xã hội.
Kết quả hoạt động giúp học sinh tự đánh giá để nhận ra những ưu điểm, nhược điểm của mình, từ đó tìm ra các phương hướng, biện pháp thích hợp để tự điều chỉnh, tự hoàn thiện.
Kết quả đánh giá cũng được sử dụng để động viên sự nỗ lực vươn lên của tập thể, khích lệ sự đoàn kết, hợp tác, phát huy tinh thần trách nhiệm, vai trò của tập thể.
Đó cũng là những căn cứ để đánh giá trình độ phát triển của tập thể, là cơ sở giúp giáo viên tìm tòi các biện pháp phù hợp để xây dựng và phát triển tập thể học sinh…
Nhà quản lý và giáo viên cần sử dụng kết quả đánh giá hiệu quả, có ý nghĩa thì quá trình giáo dục học sinh mới có ý nghĩa. Cụ thể:
- Giáo viên thực hiện tốt hoạt động trải nghiệm sáng tạo cần có động viên khen thưởng thích đáng.
- Kết quả học tập và kết quả rèn luyện cần được ứng xử như nhau.
- Các nội dung giáo dục cũng cần được đánh giá theo từng năng lực, giống như các môn học để trong bảng đánh giá học sinh người sử dụng biết học sinh có năng lực học ở môn gì cũng như năng lực xã hội nào là thế mạnh của học sinh.
- Kết quả giáo dục cần được sử dụng trong tuyển chọn theo các mục đích khác nhau.
Theo Minh Phong
Báo GD&TĐ