Tham dự diễn đàn HaFPES 2023 HaFPES, về phía Quốc hội có Tiến sĩ Nguyễn Thị Mai Hoa – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.
Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo có: Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phúc – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Phó giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Chương – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Tiến sĩ Nguyễn Sơn Hải - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin; Tiến sĩ Tạ Ngọc Trí – Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học.
Cùng với đó, diễn đàn có sự tham dự của Tiến sĩ Lê Thị Mai Hoa – Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục và đào tạo, dạy nghề Ban tuyên giáo Trung ương; Phó giáo sư, Tiến sĩ Lưu Bích Ngọc - Chánh Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Bảo Sơn - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội và sự góp mặt hơn 400 đại biểu khách mời là trường đối tác, cùng đông đảo các nhà giáo, nhà khoa học trong nước và quốc tế.
HaFPES 2023: Tôn trọng quan điểm khác biệt về các vấn đề của giáo dục trên nền tảng tư duy khoa học
HaFPES 2023 được tổ chức trong không gian mở, thảo luận theo chủ đề, môi trường học thuật chuyên sâu nhằm chia sẻ về những trường phái, xu hướng và phương pháp nghiên cứu mới; tham vấn các chính sách về cách tiếp cận và thích nghi mới trong giáo dục và sư phạm, đặc biệt trong bối cảnh đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó có những đổi mới mạnh mẽ của giáo dục đại học.
Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Trưởng Ban tổ chức HaFPES 2023 GS.TS. Nguyễn Quý Thanh chia sẻ, HaFPES là sự kiện thường niên, được tổ chức liên tục từ năm 2021. Ngay từ năm đầu tiên tổ chức, Diễn đàn đã thu hút được sự quan tâm của giới nghiên cứu về khoa học giáo dục và khoa học sư phạm. HaFPES được thiết kế cho những thảo luận mở, tôn trọng quan điểm khác biệt về các vấn đề của giáo dục trên nền tảng tư duy khoa học, đặc biệt là tư duy thực chứng và tư duy logic.
Chia sẻ về tên gọi của diễn đàn, GS.TS. Nguyễn Quý Thanh cho biết, Trong tên của diễn đàn, khái niệm “khoa học giáo dục” và “khoa học sư phạm” được đặt cạnh nhau không phải vì chúng khác biệt và đối lập mà chúng thể hiện quan điểm xem khoa học sư phạm (pedagogy) như một phần của các khoa học giáo dục (education sciences). Từ đó, chúng tôi nhìn nhận vấn đề sư phạm trong bối cảnh chung của giáo dục. Điều này giúp vượt qua nội hàm hẹp của khái niệm “giáo dục học” và tiếp cận nhìn nhận về sư phạm chỉ là những vấn đề trong nhà trường.
Trưởng Ban tổ chức Diễn đàn HaFPES 2023, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục GS.TS. Nguyễn Quý Thanh
Theo GS.TS. Nguyễn Quý Thanh, những câu chuyện của giáo dục đại học như tự chủ, hội đồng trường, kiểm định chất lượng, tuyển sinh …cho đến những vấn đề về giáo dục phổ thông, giáo dục mầm non, chương trình và sách giáo khoa, vị trí của môn Lịch sử, kỳ thi tốt nghiệp THPT, dạy học các môn tích hợp… là những tranh luận đa chiều trong xã hội dường như không hồi kết, thậm chí xảy ra xung đột trong gia đình hoặc mạng xã hội, giữa các thế hệ. Tranh luận không đi đến thống nhất vì nhiều thành phần tham gia, nhận định trên quan điểm và trải nghiệm cá nhân hơn là dựa vào tư duy khoa học giáo dục và thành tựu của nó.
Giáo dục luôn là vẫn đề nóng của từng gia đình, của xã hội. Ai cũng có thể bình luận về giáo dục như bình luận bóng đá nhưng những thảo luận này cần có tính thẩm quyền chuyên môn hay nói cách khác là phải dựa trên những thảo luận khoa học nghiêm túc.
Diễn đàn HaFPES mong muốn tạo ra một nền tảng cho những tranh luận khoa học nghiêm túc của những người có năng lực và thẩm quyền chuyên môn như vậy.
Các nhà khoa học cần kiên trì đi đến tận cùng chân lý để tìm ra các quy luật giáo dục
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT PGS.TS. Nguyễn Văn Phúc cho biết, hàng năm Bộ GD&ĐT đã phê duyệt nhiều đề tài nghiên cứu cấp Bộ về lĩnh vực khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên, song chủ yếu là các đề tài về đào tạo giáo viên; chưa nhiều các đề tài nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực khoa học giáo dục mới, mang tính liên ngành cao.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT PGS.TS. Nguyễn Văn Phúc
Ghi nhận và đánh giá cao vị thế của Trường ĐH Giáo dục trong lĩnh vực nghiên cứu về khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh. Các nhóm nghiên cứu mạnh và nhiều chuyên gia của Trường đã có nhiều công bố trong nước và quốc tế; đóng góp tích cực trong việc tham vấn chính sách cho các cấp lãnh đạo Đảng, bộ, ngành, địa phương. Trong đó, đặc biệt kể đến việc nghiên cứu đánh giá tác động của Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo sau 5 năm thực hiện; Đánh giá về đổi mới công tác kiểm tra đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông sau 10 năm thực hiện nghị quyết 29/NQ-TW; Nghiên cứu xây dựng chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông; nghiên cứu đề xuất các nội dung liên quan đến tự chủ đại học trong Luật sửa đổi một số điều của Luật Giáo dục đại học, quy hoạch hệ thống các trường đại học và nhiều nội dung khác.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Những đóng góp của Trường Đại học Giáo dục trong lĩnh vực khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đã khẳng định vai trò của Trường ĐH Giáo dục trong hệ thống các cơ sở đào tạo giáo viên trên cả nước.
Nhà trường là đơn vị tiên trong trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các thành tựu mới về khoa học giáo dục, mở mới các chương trình đào tạo theo xu hướng khoa học giáo dục hiện đại trên thế giới. Các CTĐT mang tính liên ngành, phù hợp với xu thế giáo dục đại học thế giới.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT chúc mừng ĐHQGHN nói chung và Trường Đại học Giáo dục nói riêng khi lĩnh vực Giáo dục của ĐHQGHN được Tạp chí Time Higher Education đã công bố xếp hạng top 401-500 đại học hàng đầu thế giới. Theo đó, các nhóm nghiên cứu và nhà khoa học của Trường ĐH Giáo dục đóng vai trò nòng cột trong lĩnh vực giáo dục của ĐHQGHN.
Với những kết quả đã đạt được, Thứ trưởng bày tỏ mong muốn Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục quan tâm, đầu tư phát triển Trường Đại học Giáo dục, đầu tư tập trung vào phát triển nghiên cứu khoa học giáo dục; mong Trường Đại học Giáo dục tiếp tục chủ động và tích cực tham gia các nghiên cứu, các tư vấn chính sách cho Bộ GD-ĐT, nhất là những vấn đề liên quan đến đổi mới giáo dục đại học, đổi mới giáo dục phổ thông, giáo viên, trường học thông minh, khoa học hành vi trong giáo dục…
“Nhà trường cần chú trọng nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh công bố quốc tế trên các tạp chí khoa học uy tín; tích cực nâng cao thứ hạng đại học trong bảng xếp hạng đại học khu vực và thế giới”, Thứ trưởng nói.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Giám đốc ĐHQGHN PGS.TS. Phạm Bảo Sơn cho cho biết: Diễn đàn hôm nay quy tụ các học giả và nhà quản lý từ Việt Nam và quốc tế có kinh nghiệm chuyên môn hàng đầu để cùng thảo luận và chia sẻ các phương pháp hữu ích sát vưới thực tiễn về giáo dục tại nước nhà.
Phó Giám đốc ĐHQGHN PGS.TS. Phạm Bảo Sơn
Diễn đàn là nơi để các nhà quản lý, nhà khoa học trao đổi, chia sẻ nhận thức, quan điểm về các hoạt động đào tạo, giảng dạy và nghiên cứu tại Trường Đại học Giáo dục nói riêng và cho hoạt động đổi mới giáo dục trên cả nước nói chung, ĐHQGHN hy vọng rằng các đại biểu tham gia Diễn đàn sẽ có những trao đổi sâu sắc, mang lại những ý tưởng mới và phương pháp hiệu quả trong giáo dục và sư phạm. Mục đích đó cũng là nhằm hướng đến xây dựng nền giáo dục mà mỗi em học sinh, sinh viên hay thậm chí cả giáo viên, giảng viên đều có cơ hội phát triển toàn diện, và chúng ta có thể đạt được mục tiêu cao cả của mình, đó là sự phát triển bền vững và hạnh phúc cho tất cả.
ĐHQGHN biểu dương Trường Đại học Giáo dục đã tổ chức thành công Diễn đàn Hà Nội về KHGD&SP 2 lần trước và mong rằng trong năm nay, Diễn đàn lần thứ 3 về KHGD&SP cũng sẽ để lại tiếng vang lớn trong giới chuyên môn, học thuật. Đây là việc làm thiết thực thể hiện sự quán triệt sâu sắc Nghị quyết của Ban cán sự Đảng Bộ GD&ĐT về phát triển ngành sư phạm, đặc biệt là vị trí, nhiệm vụ của các trường sư phạm trọng điểm, đồng thời góp phần cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI về “Đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế”.
Video toàn cảnh Diễn đàn Hà Nội về Khoa học Giáo dục và Sư phạm 2023
Sau hai năm triển khai, Diễn đàn HaFPES 2023 tiếp tục tạo được uy tín học thuật khi nhận được sự quan tâm của đông đảo nhà khoa học trong nước và quốc tế.
Theo thông tin từ Ban tổ chức, HaFPES 2023 đã nhận được tổng số 136 công trình nghiên cứu đến từ các chuyên gia giáo dục trong và ngoài nước; với 95 bài toàn văn được gửi phản biện và 71 bài được duyệt đăng trong Kỷ yếu hội thảo. Diễn đàn đã diễn ra 2 phiên toàn thể và 5 phiên song song. Trực tiếp báo cáo tại Hội thảo có 34 công trình nghiên cứu đến từ 33 tác giả trong nước và 18 tác giả quốc tế đến từ (Hoa Kỳ, Thái Lan, Vương quốc Anh, Nhật Bản, Nauy, Hàn Quốc). Nội dung báo cáo tập trung vào 5 chủ đề quan trọng của giáo dục đương đại: (1) Lãnh đạo trường học trong bối cảnh chuyển đổi số: Từ chính sách đến thực tiễn; (2) Giáo dục sư phạm trong chuyển đổi số và giáo dục dựa trên năng lực; (3) Xu hướng hiện đại trong đánh giá giáo dục: Đánh giá năng lực, kiểm định và xếp hạng; (4) Nghiên cứu khoa học giáo dục ở Việt Nam: Triển vọng và thách thức; (5) Công nghệ của Cách mạng Công nghiệp 4.0: Từ Nghiên cứu đến Ứng dụng trong giáo dục. |
Các tin liên quan:
- Đại học Quốc gia Hà Nội:
- Dân Trí:
- Dân Trí:
- Vietnamnet:
- Vietnamnet:
- Đại Biểu Nhân dân:
- Đại Biểu Nhân dân:
- Giáo Dục Việt Nam:
- Giáo Dục Việt Nam:
- Tiền Phong: ?
- Giáo dục và Thời đại:
- Giáo dục Thủ đô:
- 24h:
- VOV2:
- Thanh Niên:
- Tiền Phong:
- Lao Động và Xã Hội:
- Truyền hình Thông tấn xã Việt Nam:
- Chính Sách và Cuộc sống – TTXVN: i
- Tin tức 24h:
- Báo Doanh nghiệp và Đầu Tư:
- Dân Việt:
- Người Hà Nội:
- Thi Đua - Khen Thưởng:
UEd Media