Tham dự buổi tọa đàm có TS. Nguyễn Đức Huy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục; TS. Đoàn Nguyệt Linh Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Khoa học, hợp tác và phát triển; GS. Marek Tesar đại học Auckland; Bà Bành Phạm Ngọc Vân, Giám đốc Thị trường Việt Nam, Cơ quan Giáo dục New Zealand; PGS.TS. Đinh Thị Kim Thoa, Chủ tịch Hiệp hội giáo dục mầm non ngoài công lập cùng các cán bộ quản lý, giáo viên mầm non ở một số cơ sở giáo dục mầm non, cùng toàn thể các giảng viên Bộ môn Giáo dục mầm non, Khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục.
TS. Nguyễn Đức Huy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHGD phát biểu khai mạc và ghi nhận mối quan hệ hợp tác giữa các bên
Theo báo cáo của OECD, New Zealand là một trong những đất nước đầu tiên trên thế giới xây dựng được một chương trình giáo dục mầm non quốc gia đạt tiêu chuẩn quốc tế. Chương trình giáo dục ấy ra đời từ năm 1996, và được đặt tên là Te Whāriki. Tinh thần của văn hoá Maori là một nền tảng lí thuyết quan trọng để xây dựng chương trình giáo dục New Zealand, một nền giáo dục hoà nhập cho tất cả trẻ em (an inclusive education for all children). Chương trình giáo dục mầm non của New Zealand được viết bằng hai thứ tiếng song song: tiếng Anh và tiếng Māori. Chương trình Te Whāriki được xây dựng dựa trên quan điểm về trẻ em như những người học đầy đủ năng lực và chủ động (competent and capable learners).
Te Whāriki, trong tiếng Māori, có nghĩa là tấm thảm, một tấm thảm được dệt từ sự kết hợp hoà quyện của 4 nguyên tắc và 5 kết quả mong đợi. Bốn nguyên tắc chính đó là Trao quyền (Empowerment), Phát triển toàn diện (Holistic Development), Gia đình và cộng đồng (Family and community), và Các mối quan hệ (Relationships). Năm kết quả học tập/mục tiêu hướng đến trong sự phát triển của trẻ, bao gồm: Wellbeing (Tinh thần thoải mái của trẻ), Belonging (Sự phụ thuộc) Contribution (Đóng góp), Communication (Giao tiếp), Exploration (Khám phá).
Tại buổi tọa đàm GS Marek Tesar Đại học Auckland nhấn mạnh Chương trình giáo dục mầm non của New Zealand mang tính mở, các hoạt động hàng ngày của trẻ được triển khai dựa trên học thông qua chơi (play-based-learrning), đề cao ý nghĩa và vai trò của chơi tự do, vì qua chơi, trẻ em có thể học và kiến tạo kiến thức cho bản thân theo cách của riêng mình. Để làm được đó, giáo viên (kaiako) cần xây dựng mình thành Ako của trẻ.
Trong tiếng Māori, ako có nghĩa là người học và người dạy là một. Trẻ em là người học nhưng cũng đồng thời là người thầy dẫn dắt giáo viên, giáo viên là người dạy nhưng đồng thời là người học từ trẻ em. Nói một cách khác, trẻ em và giáo viên là bạn đồng hành (partners) và người cùng kiến tạo (co-constructors) tri thức. Khái niệm này rất ngắn gọn, nhưng thể hiện được hết tinh thần khai phóng của giáo dục New Zealand, một nền giáo dục nhân văn, coi trọng tinh thần sáng tạo và sự chủ động của trẻ em. Vì thế, giáo viên mầm non cần được trang bị những kiến thức mang tính tích hợp về các lĩnh vực để đáp ứng yêu cầu chăm sóc và giáo dục trẻ. Mặt khác giáo viên ngoài việc biết tổ chức các hoạt động với trẻ em thì cần phải biết xây dựng khung Chương trình và phát triển Chương trình phù hợp.
GS. Marek Tesar, Đại học Auckland trình bày Chương trình Giáo dục mầm non New Zealand
Cũng trong buổi tọa đàm GS. Marek Tesar và Tiến sĩ Phạm Hoa thực hiện một số hoạt động tập huấn kỹ năng ứng dụng Learning Stories trong đánh giá trẻ mầm non. Learning Stories đưa ra những miêu tả và đánh giá quá trình học tập và phát triển của trẻ dưới hình thức của những câu chuyện. Giáo viên quan sát và lắng nghe khi trẻ khám phá thông qua chơi. Giáo viên có thể chụp một hoặc hai bức ảnh, ghi lại một số ghi chú và tạo ra một câu chuyện về những gì giáo viên đã thấy để chia sẻ với trẻ và gia đình trẻ.
Những câu chuyện này cũng thường bao gồm những chỉ dẫn, gợi ý của giáo viên cho cha mẹ để hỗ trợ trẻ phát triển ở những bước tiếp theo trong quá trình học tập của mình. Mỗi câu chuyện sẽ phản ánh các khía cạnh khác nhau của trẻ, bao gồm: Hứng thú sở thích, điểm mạnh, các bước tiến bộ; Kĩ năng, kiến thức, và các trạng thái cảm xúc; Các tương tác với bạn bè và giáo viên; Gia đình, văn hoá, và cộng đồng của trẻ.
Các bước để tiến hành viết một “Learning Stories” cho giáo viên bao gồm: chú ý theo dõi quá trình học tập của trẻ, nhận ra những khoảnh khắc học tập có ý nghĩa của trẻ, phản hồi lại những mong muốn của trẻ, ghi lại những khoảnh khắc đó, và đánh giá phân tích ý nghĩa của chúng trong quá trình phát triển của trẻ. Learning Stories là một đóng góp độc đáo của giáo dục mầm non New Zealand. Hiện tại, hình thức đánh giá này đã được sử dụng rộng rãi các nước như Đức, Ai len, Trung Quốc, Ả rập Xê út, Úc…
Các chuyên gia đến từ New Zealand và Việt Nam cũng trao đổi sôi nổi về những cơ hội, thách thức vận dụng những ưu điểm của giáo dục mầm non New Zealand vào giáo dục mầm non Việt Nam. Điều đặc biệt quan trọng trong mỗi nhà trường là năng lực của đội ngũ giáo viên cần phải được đào tạo bài bản, có kĩ năng nghề tốt, linh hoạt, sẵn sàng đương đầu với những thách thức thì mới có thể vận dụng có hiệu quả vào giáo dục mầm non Việt Nam.
Một số hình ảnh của buổi tọa đàm:
Năm 2023, Trường Đại học Giáo dục dự kiến tuyển sinh 1100 chỉ tiêu cho các nhóm ngành đào tạo sư phạm và ngoài sư phạm. Thông tin chi tiết: Tuyển sinh đại học chính quy năm 2023 Tổng hợp thông tin tuyển sinh đại học chính quy của Trường Đại học Giáo dục – ĐHQGHN liên tục được cập nhật theo đường link: Tuyển sinh đại học chính quy Mọi thắc mắc, hỗ trợ, thí sinh liên lạc theo địa chỉ: Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội Địa chỉ: Nhà G7, số 144 Xuân Thuỷ, Cầu Giấy, Hà Nội Website: //gezfry.com/ Fanpage: Hotline tuyển sinh: 0865964905 hoặc (024) 7301 7123 – máy lẻ 1102 (trong giờ hành chính) |
Khoa CKHGD