Nhóm nghiên cứu do PGS.TS. Lê Thị Phượng và Thạc sĩ Đỗ Thuỳ Linh, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đã thực hiện nghiên cứu phân tích các chủ đề về môi trường với mục tiêu phát triển bền vững được tích hợp trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Sinh học cho cấp trung học phổ thông và nhấn mạnh nội dung giáo dục vì sự phát triển bền vững được thể hiện trong chương trình.
Tiếp cận giáo dục vì sự phát triển bền vững của Việt Nam
Năm 2015, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua Chương trình Nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDG) nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo thịnh vượng cho mọi người.
Việt Nam đã thể hiện 17 mục tiêu SDG thành 115 mục tiêu SDG Việt Nam như một phần trong "Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững".
Năm 2020, Việt Nam cũng đã tăng 5 bậc trong bảng xếp hạng mục tiêu SDG toàn cầu, từ thứ 54 năm 2019 lên thứ 49. Mặc dù vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức đáng kể trong một số mục tiêu SDG song Việt Nam vẫn cam kết đối với các chính sách giáo dục vì sự phát triển bền vững. Giáo dục vì sự phát triển bền vững đáp ứng các mục tiêu SDG một lần nữa được nhấn mạnh trong Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ GD&ĐT ban hành năm 2018 thông qua các chủ đề giáo dục môi trường.
Giáo dục môi trường - một phần thiết yếu trong cách tiếp cận của giáo dục Việt Nam
Giáo dục môi trường được áp dụng trong rất nhiều môn học nhằm trang bị cho người học những kiến thức, kĩ năng, thái độ cần thiết liên quan đến môi trường và bảo vệ môi trường.
Giáo dục môi trường "là một lĩnh vực đã có từ lâu, tập trung vào mối quan hệ của loài người với môi trường tự nhiên và cách thức bảo tồn, gìn giữ và quản lý hợp lý các nguồn tài nguyên môi trường”, trong khi Giáo dục phát triển bền vững “bao gồm giáo dục môi trường nhưng đặt nó trong bối cảnh rộng hơn của các yếu tố kinh tế-văn hóa và các vấn đề chính trị - xã hội về công bằng, nghèo đói, dân chủ và chất lượng cuộc sống” (UNESCO, 2006, tr.17)
Như vậy, có thể hiểu, Giáo dục môi trường tập trung vào việc trang bị các kiến thức về môi trường, bảo vệ môi trường tự nhiên và cắt giảm các tác động tiêu cực của con người. Trong khi đó, giáo dục phát triển bền vững trang bị nhận thức, kỹ năng, quan điểm và giá trị cần thiết, từ đó, truyền cảm hứng cho mọi người hướng tới một lối sống bền vững.
Giáo dục của Việt Nam đang tiếp cập giáo dục phát triển bền vững thông qua giáo dục môi trường với hai lĩnh vực trọng tâm: kiến thức về môi trường và cách thức bảo vệ môi trường. Giáo dục môi trường được coi là một phần thiết yếu trong cách tiếp cận của Việt Nam đối với giáo dục phát triển bền vững.
Quan điểm phát triển bền vững môi trường trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018
Việt Nam đã trải qua quá trình đổi mới mạnh mẽ để chuyển từ nước kém phát triển sang nước đang phát triển, việc đổi mới liên tục trong hệ thống giáo dục là điều cần thiết cho sự phát triển bền vững.
Một trong các quan điểm thiết kế Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là thúc đẩy giáo dục vì sự phát triển bền vững. Giáo dục vì sự phát triển bền vững được tích hợp vào các nội dung giáo dục khác nhau, trong cả lĩnh vực khoa học xã hội và khoa học tự nhiên.
Giáo dục khoa học xã hội bao gồm các chủ đề như biến đổi khí hậu và đô thị hóa, tài nguyên thiên nhiên, phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và phát triển du lịch bền vững.
Giáo dục khoa học tự nhiên phát triển cho người học nhận thức về các nguyên lý, quy luật chung của thế giới tự nhiên, vai trò của khoa học tự nhiên đối với sự phát triển của xã hội, bước đầu vận dụng tri thức khoa học tự nhiên vào việc sử dụng, khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên.
Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 môn Sinh học chú trọng phát triển cho học sinh khả năng thích ứng với thế giới đang thay đổi không ngừng, sống hài hoà với thiên nhiên và bảo vệ môi trường để phát triển bền vững.
Nội dung chương trình được sắp xếp theo các chủ đề từ lớp 10 đến lớp 12 trong đó các chủ đề cốt lõi bao gồm tất cả các cấp độ của tổ chức sống (phân tử, tế bào, cá thể, quần thể, quần xã, hệ sinh thái và sinh quyển).
Học sinh tìm hiểu cấu trúc, chức năng và mối quan hệ giữa cấu trúc, chức năng và môi trường sống. Các chủ đề chuyên sâu về các lĩnh vực đặc trưng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như: Công nghệ sinh học trong nông nghiệp, y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo…
Các chủ đề kiến thức môi trường (EK) và các mục tiêu phát triển bền vững trong Chương trình giáo dục phổ thông - môn Sinh học
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng Khung Chương trình giáo dục môi trường của Hungerford, Volk, Ramsey và Bluhm và các hướng dẫn tại hội thảo của UNESCO về giáo dục môi trường để xây dựng khung phân tích Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 môn Sinh học của Việt Nam cho cấp Trung học phổ thông và xác định các chủ đề kiến thức về môi trường đã đáp ứng các mục tiêu SDG nào.
Khung phân tích với bộ 3 tiêu chuẩn: (1) Nền tảng sinh thái và con người; (2) Khoa học môi trường và sức khỏe môi trường; (3) Đánh giá vấn đề, hành động của công dân; Với 4 cấp độ của các tiêu chuẩn: (1) Cấp độ cơ sở sinh thái, (2) Cấp độ nhận thức khái niệm, (3) Cấp độ điều tra và đánh giá, (4) Cấp độ kỹ năng hành động với môi trường.
Chia sẻ với Phóng viên về dự án nghiên cứu và các kết quả đã đạt được, PGS.TS. Lê Thị Phượng cho biết: “Nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân tích nội dung các chủ đề kiến thức về môi trường trong Chương trình Giáo dục phổ thông môn Sinh học, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Kết quả cho thấy, Chương trình Giáo dục phổ thông - môn Sinh học bao gồm 17 chủ đề EK, đáp ứng 9 SDGs. Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục phân tích Chương trình Khoa học tự nhiên theo khung lí thuyết của Hungerford để thấy sự thể hiện khác nhau về giáo dục môi trường ở các cấp học góp phần thực hiện giáo dục phát triển bền vững. Nhóm nghiên cứu cũng mong muốn nhận được sự ủng hộ từ phía các cơ quan chức năng để có thể có những nghiên cứu sâu và rộng hơn nữa về giáo dục phát triển bền vững ở trường phổ thông”. |
Việc tích hợp các chủ đề EK và mục tiêu SDGs vào chương trình dạy học Sinh học có thể cho học sinh góc nhìn rộng hơn về các vấn đề môi trường, giúp học sinh hiểu được mối liên hệ giữa các khía cạnh khác nhau của môi trường và đời sống con người. Từ đó, học sinh sẽ có những hành động hướng tới sự phát triển bền vững, góp phần đạt được SDG và thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Quan điểm đào tạo giáo viên dạy học tích hợp các chủ đề vào mục tiêu SDG trong chương trình đào tạo giáo viên giảng dạy các môn học tích hợp đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại Trường Đại học Giáo dục
Liên quan tới vấn đề dạy học tích hợp các chủ đề (không chỉ là chủ đề kiến thức môi trường) vào các mục tiêu SDG trong chương trình đào tạo giáo viên giảng dạy các môn học tích hợp đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ GD&ĐT ban hành năm 2018; Phóng viên đã có cuộc trao đổi nhanh với PGS.TS. Nguyễn Chí Thành – Chủ nhiệm Khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục về vấn đề triển khai đào tạo giáo viên dạy học các môn tích hợp tại Trường Đại học Giáo dục – ĐHQGHN.
Trong quá trình đào tạo giáo viên vấn đề dạy học tích hợp được triển khai theo nhiều cấp độ:
Đào tạo giáo viên dạy các môn tích hợp ở trường THCS: Như chúng ta đã biết, với mục đích phát triển năng lực người học, trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 lần đầu tiên xuất hiện các môn tích hợp ở cấp THCS là “Khoa học tự nhiên’’ và ‘’Lịch sử và Địa lý’’.
Trường Đại học Giáo dục là cơ sở giáo dục đại học đào tạo giáo viên đầu tiên trong cả nước có chương trình đào tạo giáo viên cho cả 2 ngành này. Điều này một mặt thể hiện tính tiên phong và trách nhiệm xã hội, mặt khác thể hiện rõ ràng quan điểm và triết lí trong dạy học tích hợp ở trường phổ thông.
Chúng tôi luôn cho rằng để các giáo viên có thể dạy học tích hợp được thì bản thân họ phải được trải nghiệm việc dạy học tích hợp trong tất cả các khâu quá trình đào tạo.
Về chương trình: chương trình đào tạo của các ngành khác nhau có các học phần (HP) chung để đảm bảo có các nội dung tích hợp cho các ngành khác nhau trong các ví dụ dạy học cụ thể. Ví dụ HP chung ‘’Ứng dụng ICT (Công nghệ thông tin và truyền thông) trong dạy học’’ sẽ có các ví dụ về ứng dụng ICT cho các nội dung tích hợp trong nhiều môn học ở trường THCS; chương trình đào tạo của 1 ngành có các nội dung tích hợp các lĩnh vực kiến thức. Ví dụ trong CT đào tạo ngành Sư phạm Khoa học Tự nhiên có HP ‘’Trái đất và bầu trời’’ trong đó nhiều chủ đề tích hợp các nội dung kiến thức của các lĩnh vực Vật lý, Hoá học và Sinh học được giới thiệu trong học phần.
Về PP dạy học và triển khai các hoạt động học tập: SV được giới thiệu về phương pháp dạy học theo quan điểm tích hợp trong những HP chuyên biệt về phương pháp dạy học cũng như được trải nghiệm về dạy học tích hợp khi học các HP thông qua các hoạt động dạy học mà các giảng viên triển khai như khám phá, thực hiện dự án. SV cũng được khuyến khích làm việc trong các nhóm ‘’tích hợp’’ các thành viên từ nhiều ngành khác nhau.
Về kiểm tra đánh giá: quá trình đánh giá theo định hướng sản phẩm, KPI trong đó yêu cầu về tính tích hợp trong sản phẩm được yêu cầu tường minh trong các tiêu chí về kiểm tra đánh giá.
Trân trọng cảm ơn PGS.TS. Nguyễn Chí Thành!
UEd Media
Năm 2023, Trường Đại học Giáo dục dự kiến tuyển sinh 1100 chỉ tiêu cho các nhóm ngành đào tạo sư phạm và ngoài sư phạm. Thông tin chi tiết: Tuyển sinh đại học chính quy năm 2023 Tổng hợp thông tin tuyển sinh đại học chính quy của Trường Đại học Giáo dục – ĐHQGHN liên tục được cập nhật theo đường link: Tuyển sinh đại học chính quy Mọi thắc mắc, hỗ trợ, thí sinh liên lạc theo địa chỉ: Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội Địa chỉ: Nhà G7, số 144 Xuân Thuỷ, Cầu Giấy, Hà Nội Website: //gezfry.com/ Fanpage: Hotline tuyển sinh: 0865964905 hoặc (024) 7301 7123 – máy lẻ 1102 (trong giờ hành chính) |
UEd Media