Sự kiện nằm trong khuôn khổ chương trình hợp tác giao lưu học viên về học thuật và văn hoá TWINCLE được kí kết giữa Trường Đại học Giáo dục – ĐHQGHN và Đại học Chiba (Nhật Bản).
Hội nghị thường niên mạng lưới TWINCLE là một hoạt động được tổ chức hàng năm nhằm kết nối, giao lưu giữa các nhà khoa học trong lĩnh vực giáo dục và tạo cơ hội cho các nhà giáo dục chia sẻ các ý tưởng và kết quả nghiên cứu về chủ đề: “Giáo dục hướng tới phát triển bền vững tại các trường đại học”.
Hội nghị diễn ra từ 11/2 đến 13/2. Tại Hội nghị, TS. Trần Thị Thu Hương với vai trò diễn giả đã trình bày kết quả nghiên cứu với chủ đề “Hướng tới giáo dục phát triển bền vững: Những năng lực cốt lõi của nhà giáo dục”. Nghiên cứu tổng quan các năng lực cốt lõi các nhà giáo dục cần có trong quá trình hướng tới giáo dục bền vững. Ngoài ra, nghiên cứu còn cung cấp các phương pháp thực hành tốt nhất và các công cụ thực hành để đánh giá năng lực của các nhà giáo dục trong giáo dục phát triển bền vững tại các cơ sở giáo dục. TS. Trần Thị Thu Hương cũng chia sẻ cách áp dụng tại Trường Đại học Giáo dục – ĐHQGHN.
TS. Nguyễn Đức Huy với vai trò người đánh giá của phiên làm việc chuyên sâu, TS. Nguyễn Đức Huy đã cùng điều hành phiên trình bày, thảo luận về kết quản nghiên cứu có liên quan đến giáo dục phát triển bền vững của các sinh viên, học sinh của Nhật Bản và các nước ASEAN tham dự Hội nghị.
Đoàn công tác cũng đã tham gia trao đổi sâu các vấn đề về nghiên cứu giáo dục với các đại diện đến từ các trường đại học trong mạng lưới như Khoa Sư phạm, Trường ĐH Chiang Mai, Thái Lan, Trường ĐH UPI, Indonesia, Trường Đại học Kasetsart, Thailand, Đại học Quốc gia Lào.
Nhân dịp này, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục TS. Nguyễn Đức Huy và Giám đốc trung tâm nghiên cứu châu Á và Asean GS. Nomura đã cùng nhau trao đổi, thảo luận và cùng bày tỏ mong muốn tiếp tục phát triển hoạt động hợp tác nghiên cứu và trao đổi học giữa hai bên.
Cũng trong khuôn khổ của Chương trình giao lưu học thuật, Nhóm học viên và nghiên cứu sinh của Trường đã tham gia đợt tập huấn kéo dài từ ngày 07-13/2/2023 với các hoạt động tiêu biểu như tham gia các buổi học thực hành thí nghiệm các môn khoa học tự nhiên, các buổi tập huấn giảng dạy theo phong cách Nhật Bản với cách tiếp cận dạy học thực nghiệm vật lý cho học sinh áp dụng công nghệ mới, dạy học theo tiếp cận khoa học tiên tiến từ sớm với phương pháp dạy học hiện đại, trực quan dễ hiểu, dễ làm. Ngoài ra, nhóm còn được gặp gỡ, trao đổi về ý tưởng và kết quả các đề tài nghiên cứu với các em học sinh ở trường trung học, thăm quan bảo tàng, tham gia một buổi trà đạo của Nhật Bản. Đặc biệt, trong các hoạt động của khóa tập huấn, các học viên được trao đổi, kết nối, giao lưu với các sinh viên, học viên, NCS ở các nước Indonesia, Thái Lan, Philippines, Nhật Bản, Cambodia, ....
Nhóm đã có phần trình bày tại phiên hội thảo dành cho người học và hỗ trợ các nhóm sinh viên, học sinh tham gia thảo luận, trình bày tại Hội nghị thường niên Trung tâm Giáo dục và Nghiên cứu Châu Á-ASEAN.
Cuối đợt tập huấn, các học viên, NCS đã xuất sắc nhận được chứng nhận từ Khoa Giáo dục, Đại học Chiba.
Sau khoá tập huấn, các học viên sẽ đem kiến thức được học về áp dụng vào các bài giảng cho sinh viên tại Trường Đại học Giáo dục. Đồng thời, hướng tới mở ra phương pháp dạy và học cho sinh viên sư phạm có thể tiếp cận giáo dục toàn diện theo định hướng 17 yếu tố giáo dục phát triển bền vững của UNESCO.
UEd Media