Tham dự tập huấn có TS. Nguyễn Đức Huy - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục; TS. Tôn Quang Cường – Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Giáo dục và Ông Damien Aldridge - Giám đốc điều hành STEM Punks với vai trò diễn giả; hơn 100 giáo viên tiểu học và trung học cơ sở cùng gần 100 giáo viên tham gia online trên Zoom Meeting đến từ nhiều tỉnh, thành phố trên toàn quốc như: Hà Nội, Kon Tum, Đăk Lăk, Lào Cai, Phú Thọ, các Đại sứ STEM Punk được tuyển.
Đây là chuỗi hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Trường học thông minh tại Việt Nam” hợp tác giữa Khoa Công nghệ Giáo dục và Tập đoàn STEM Punks - Australia nhằm nâng cao năng lực dạy học STEM cho giáo viên phổ thông được Chính phủ Australia tài trợ dưới sự giám sát bởi Bộ phận Giáo dục và Khoa học, Đại sứ quán Australia tại Hà Nội trong thời gian 8 tháng.
Phó Hiệu trưởng TS. Nguyễn Đức Huy phát biểu tại buổi tập huấn
Phát biểu tại buổi tập huấn, Phó Hiệu trưởng TS. Nguyễn Đức Huy ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Khoa Công nghệ Giáo dục trong việc tích cực triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế nhằm nâng cao năng lực chuyển đổi số cho giáo viên các bậc học thông qua việc tích hợp công nghệ trong dạy học STEM và xây dựng học liệu số. Điều này cũng đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh ngành giáo dục của cả nước nói chung, các trường đào tạo giáo viên nói riêng đang nỗ lực tham gia vào quá trình nâng cao năng lực cho giáo viên phổ thông đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Phó Hiệu trưởng cũng đề nghị, trong tới gian tới Khoa Công nghệ Giáo dục cần song song đẩy mạnh và mở rộng các chương trình, dự án hợp tác với các tập đoàn, các công ty giáo dục đa quốc gia, mở ra nhiều hơn các cơ hội học tập, nghiên cứu và làm việc cho sinh viên ngành Công nghệ Giáo dục.
TS. Tôn Quang Cường - Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Giáo dục cho biết, dự án được chia làm 3 giai đoạn, chương trình tập huấn thuộc giai đoạn 2 của dự án
TS. Tôn Quang Cường cho biết, Các hợp phần của Dự án được chia thành 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Xây dựng đội ngũ Đại sứ STEM (6 đại sứ được lựa chọn từ đội ngũ giáo viên phổ thông và giảng viên của Trường Đại học Giáo dục).
Giai đoạn 2: Tập huấn tiếp cận xây dựng bài giảng STEM trên nền tảng tích hợp công nghệ và tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ. Dự án tài trợ cho mỗi thầy cô tham gia tập huấn lần này 01 bộ Micro:bit, tài khoản xây dựng bài giảng STEM và công cụ thiết kế 3D TinkerCAD…
Giai đoạn 3: Chuyển giao toàn bộ công nghệ xây dựng bài học STEM số cho Khoa Công nghệ Giáo dục.
().
Giám đốc điều hành STEM Punks - Ông Damien Aldridge trực tiếp hướng dẫn thực hành cho giáo viên
Không chỉ được tập huấn sử dụng nền tảng công nghệ, thiết bị lập trình code Micro: bit (thế hệ thứ hai), giải pháp đồ họa 3D TinkerCAD, các thầy cô còn được tiếp cận với cách xây dựng bài học STEM dựa trên dạy học dự án (PjBL) và Tư duy thiết kế (Design Thinking). Trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa nguyên tắc 6A của dạy học dự án, 6 bước Tư duy thiết kế và công nghệ số phù hợp, các vấn đề của cuộc sống được đưa vào trong bài học STEM một cách gần gũi và sinh động. Điều này cho phép người học thực sự được nhập vai trải nghiệm, nhận diện và đưa ra các giải pháp hữu hiệu, khả thi để giải quyết vấn đề, đáp ứng với yêu cầu theo Chương trình giáo dục phổ thông hiện nay.
Giáo viên thực hành thiết kế bộ công cụ đo nhiệt độ và độ ẩm của đất dựa trên những tính năng có sẵn của Micro:bit
Điểm khác biệt cần nhấn mạnh trong cách tiếp cận bài học STEM tích hợp công nghệ này chính là khả năng “trực quan hóa ý tưởng để trình diễn quá trình tư duy”, “tính đa dạng trong giải quyết vấn đề”, “đột phá sáng tạo trong tư duy và hành động cá nhân trong hoạt động hợp tác”, “một bài học đa vấn đề”…
Sinh viên Khoa Công nghệ Giáo dục tham gia hỗ trợ tình nguyện
Khoa CNGD