Phạm Thùy Trinh – thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), không khí ô nhiễm đang có tác động tàn phá khủng khiếp đến hàng tỷ trẻ em trên khắp thế giới, phá hủy hệ thần kinh trung ương, dẫn đến bệnh tật và cái chết sớm. Có hơn 90% trẻ em trên thế giới từ khi sinh ra đến 18 tuổi đang hít thở không khí nhiễm độc. Việt Nam hiện đang đứng trong top 10 các nước ô nhiễm không khí ở Châu Á. Ở Thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tổng lượng bụi liên tục tăng cao khiến chỉ số chất lượng không khí (AQI) luôn ở mức báo động, nồng độ bụi vượt mức cho phéo từ hai đến ba lần và có xu hướng duy trì ở ngưỡng cao. Điều này thực sự gây quan ngại khi có khoảng 60.000 người tử vong năm 2016 do bệnh tim, đột quỵ, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và viêm phổi ở Việt Nam đều liên quan tới không khí.
Nhóm nghiên cứu giành nhiều thời gian để thu thập dữ liệu tại các trường THPT trên địa bàn TP. Hà Nội
Với hướng tiếp cận liên ngành, nhóm tác giả đã đề xuất quy trình ứng dụng GIS trong quá trình nghiên cứu thực trạng ô nhiễm không khí tại các trường THPT tại Hà Nội như một minh chứng về cách khai thác các ứng dụng công nghệ hình ảnh và dữ liệu không gian địa lý tái hiện bức tranh thực trạng ô nhiễm không khí.
Để thu thập dữ liệu cho nghiên cứu này, nhóm đã theo dõi tại 37 điểm trường THPT kéo dài từ tháng 12/2019 đến tháng 7/2020. Kết quả nghiên cứu bước đầu buộc mọi người phải nhìn nhận về tầm nghiêm trọng của bụi mịn với sức khỏe của con người. Đề tài cũng cung cấp cơ sở dữ liệu về chỉ số chất lượng không khí cho 37 trường THPT của Hà Nội trong khoảng thời gian từ tháng 12/2019 đến tháng 7/2020. Từ đó, khuyến nghị một kế hoạch hành động nhanh chóng để nâng cao nhận thức về tác động của ô nhiễm không khí với sức khỏe tại Hà Nội. Kết quả nghiên cứu cũng là hồi chuông cảnh báo về việc trẻ em cần lưu tâm đến bảo vệ sức khỏe và nhu cầu được hít thở không khí trong lành vì mục tiêu phát triển trí tuệ của người học.
Tại Hội thảo khoa học của người học năm học 2019-2020 đề tài: “Nghiên cứu thực trạng ô nhiễm bụi mịn tại các trường THPT của Thành phố Hà Nội” cũng vinh dự giành giải Nhất và là một trong những đề tài được tài trợ bởi Trường ĐH Giáo dục trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu khoa học của người học.
Kết quả trên là thành quả cho sự nỗ lực hết sức mình của nhóm nghiên cứu do Phạm Thùy Trinh và Trần Thị Hiên cùng thực hiện dưới sự hỗ trợ, hướng dẫn chuyên môn của giảng viên TS. Bùi Thị Thanh Hương.
Giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên, giúp sinh viên phát huy năng lực tư duy sáng tạo, hình thành năng lực tự học, tự nghiên cứu và vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra, biến các ý tưởng sáng tạo thành hiện thực, góp phần phát hiện và bồi dưỡng tài năng trẻ cho đất nước. Giải thưởng cũng đồng thời góp phần nâng cao khả năng nghiên cứu khoa học độc lập và làm việc theo nhóm cho sinh viên; khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học, các tổ chức và cá nhân hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu tại các cơ sở giáo dục đại học. Năm 2020, Giải thưởng “sinh viên nghiên cứu khoa học” đã thu hút 461 đề tài của 103 đơn vị đăng ký tham gia giải thưởng tại 6 lĩnh vực khoa học công nghệ: khoa học tự nhiên (66 đề tài), khoa học kỹ thuật công nghệ (114 đề tài), khoa học y dược (32 đề tài), khoa học nông nghiệp (22 đề tài), khoa học xã hội (198 đề tài), khoa học nhân văn (29 đề tài). Tại vòng đánh giá sơ khảo diễn ra tháng 10-2020, các hội đồng đã lựa chọn 75 đề tài vào vòng chung khảo, 95 đề tài đạt giải ba và 139 đề tài đạt giải khuyến khích. |
UED Media |