Chương trình là dịp đề Nhà trường lắng nghe ý kiến đóng góp của các đơn vị trong Trường, của các giảng viên thỉnh giảng đồng thời là dịp để Ban Giám hiệu gặp gỡ và tri ân các thầy cô nhân dịp ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.
Tọa đàm “Kỹ thuật dạy học lớp đông cho sinh viên” với 4 nội dung chính được thảo luận gồm: (1) Quy trình, kỹ thuật và ứng dụng ICT trong dạy học lớp đông; (2) Tâm lý người học, người dạy; (3) Kỹ thuật kiểm tra đánh giá trong dạy học lớp đông; (4) Sử dụng, thiết kế điều kiện, học liệu trên Moodle và nền tảng công nghệ trong dạy học lớp đông.
Một số thách thức khi triển khai dạy học lớp đông được PGS.TS Nguyễn Chí Thành, Chủ nhiệm khoa Sư phạm, nêu ra như: những vấn đề liên quan tới cơ sở vật chất, khó tạo động lực và hứng thú, khó theo dõi sự tham gia của sinh viên, khó tổ chức hoạt động kiểm tra đánh giá, số sinh viên/nhóm lớn nên việc hoạt động nhóm khó hiệu quả, hạn chế tương tác với sinh viên, vấn đề tiếp thu và tiếp nhận thông tin phản hồi từ sinh viên, khó duy trì kỉ luật lớp học…Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Chí Thành cũng giới thiệu 20 kỹ thuật hữu ích khi dạy học lớp đông.
Bên cạnh một số khó khăn xung quanh việc dạy học lớp đông, tọa đàm chú trọng tới các yếu tố đảm bảo chất lượng của việc dạy học lớp đông cũng như lấy ý kiến từ các đại biểu về các biện pháp pháp khắc phục.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa các Khoa học Giáo dục, đối với các lớp học đông cần quan tâm tới tâm lý người dạy, người học. Lớp càng đông, tinh thần tự chủ càng lớn; vậy làm thế nào cho sinh viên có được phương pháp và tạo động cơ tự học là điều cần thiết. Trước môn học, người thầy cần định hướng và giới thiệu tầm quan trọng của môn học đối với nghề nghiệp; cho phép sinh viên lựa chọn hình thức kiểm tra và có cơ chế khuyến khích với những cá nhân hoàn thành sớm; Lớp càng đông, ý kiến trái chiều càng nhiều đòi hỏi người thầy cần có phong cách giảng dạy, cách thức nhận xét tránh bị thiên lệch theo quan điểm và định kiến cá nhân; Vai trò của cố vấn học tập cần được thể hiện như: hướng dẫn học, chỉ ra tầm quan trọng trước môn học, từ đó làm thay đổi phương pháp học tập, tạo hứng thú cho sinh viên.
Việc chuyển cách dạy từ kể sang hỏi, tận dụng công nghệ sẽ giúp giảng viên có thể dễ dàng đánh giá và thu thập thông tin phản hồi từ sinh viên; dạy học cần chú ý thỏa mãn nhu cầu của nhóm: ví dụ sinh viên được trình bày, được thể hiện trong nhóm, được thừa nhận và bày tỏ quan điểm và được đánh giá. Giảng viên cần cho sinh viên quyền tự chịu trách nhiệm bản thân và tự đánh giá.
Liên quan tới kỹ thuật kiểm tra đánh giá trong dạy học lớp đông, TS. Tăng Thị Thùy – đại diện Khoa Quản trị Chất lượng cho rằng: mục đích cuối cùng của kiểm tra đánh giá là thúc đẩy sinh viên học tập và vì sự tiến bộ của người học. Dựa trên việc thu thập kinh nghiệm phản hồi của các giảng viên đã và đang tham gia giảng dạy lớp đông. TS Tăng Thị Thùy đề xuất một số biện pháp như: xây dựng kế hoạch kiểm tra đánh giá chi tiết, cụ thể; sử dụng đánh giá nhanh thông qua các công cụ công nghệ để tạo hứng thú; triển khai các bài kiểm tra nhỏ, trực tiếp trên lớp; tăng cường các phản hồi liên quan đến tự đánh giá nhằm khai thác phản hồi từ sinh viên; cung cấp các tiêu chí đánh giá cho sinh viên; xây dựng ngân hàng câu hỏi. Trong đó, cơ sở vật chất có ảnh hưởng khá lớn đối với lớp học đông: mic, cách kê bàn ghế, màn chiếu, máy chiếu lớn, đường truyền internet mạnh. TS. Tăng Thị Thùy cũng đề xuất và kiến nghị Nhà trường cần có chính sách trợ giảng cho các lớp học đông, quy định về sĩ số tối đa với từng lớp học phần.
Trước những năm 2000, việc dạy học lớp đông chưa được áp dụng công nghệ thì đến nay điều đó đã hoàn toàn thay đổi. Hiện nay, Trường Đại học Giáo dục đang áp dụng một số nền tảng công nghệ hỗ trợ cho dạy học lớp đông, trong đó công cụ Moodle được xem là công cụ là hiệu quả được Khoa Công nghệ trực tiếp quản lý và điều phối.
Theo PGS.TS Nguyễn Kim Chung – Phó Chủ nhiệm Khoa Công nghệ, việc tổ chức dạy học lớp đông có sử dụng nền tảng Moodle cần được giảng viên chuẩn bị kỹ lưỡng bao gồm việc: nêu rõ các nhiệm vụ, tiến trình học tập, chia nội dung học tập thành các tuần và phổ biến kết quả cần đạt được sau môn học; trên hệ thống Moodle giảng viên có thể chia lớp lớn thành các nhóm nhỏ để dễ thao tác quản lý. Nếu đánh giá nhóm là một thách thức, giảng viên có thể cho người học tham gia đánh giá chéo giữa các nhóm.
PGS.TS Phạm Công Nhất cho rằng để thành công trong việc dạy học lớp đông có nhiều yếu tố, trong đó người giảng viên cần có sự chuẩn bị chu đáo, làm chủ và kiểm soát tốt công tác tổ chức lớp
Theo kinh nghiệm “thực chiến” khi phải thường xuyên trực tiếp dạy học lớp đông của PGS.TS Phạm Công Nhất – giảng viên Khoa Triết học, Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn- ĐHQGHN: bên cạnh những khó khăn và giải pháp PGS.TS Phạm Công Nhất đưa ra 2 vấn đề cốt lõi trong việc giải quyết các khó khăn của dạy học lớp đông là: (1) không sợ lớp đông, (2) thành công hay thất bại trong dạy học lớp đông phụ thuộc vào năng lực và kinh nghiệm của giảng viên. Với đặc điểm của các môn Lý luận chính trị là môn học khó hiểu, trừu tượng giảng viên cần có khả năng diễn đạt để thu hút người nghe; dạy học với tiêu chí “mỗi ngày lên lớp là một ngày vui”. PGS.TS Phạm Công Nhất cũng kiến nghị, các lớp học đông cần được giao cho giảng viên có kinh nghiệm.
Kết luận buổi Tọa đàm, GS.TS. Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục đã định hướng một số nhóm biện pháp để nâng cao chất lượng dạy học lớp đông về các phương diện cơ sở vật chất, chương trình đào tạo cũng như bồi dưỡng năng lực đội ngũ giảng viên. Thay mặt nhà trường, Giáo sư cảm ơn sự hợp tác chặt chẽ của các trường thành viên, các thầy cô thỉnh giảng tham gia công tác đào tạo của nhà trường trong năm học này, năm học mà rất nhiều ngành đào tạo mới đáp ứng chương trình Giáo dục phổ thông 2018 lần đầu tiên được triển khai tại trường Đại học Giáo dục như: Giáo dục Mầm non, Giáo dục Tiểu học, Sư phạm Lịch sử &Địa lí, Sư phạm Khoa học Tự nhiên.
Chiều cùng ngày, Trường Đại học Giáo dục tiếp tục tổ chức tọa đàm: “Nâng cao chất lượng đào tạo Sau đại học”.
UED Media