Tây Bắc là vùng miền núi rộng, tỉ lệ người dân tộc thiểu số cao. Bên cạnh việc xây dựng các chính sách và giải pháp phục vụ đào tạo và phát triển lâu dài, thì việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục tại nhiệm nhằm đảm bảo đội ngũ có đủ năng lực nghề nghiệp cần thiết để tham gia vào công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam cũng được xác định là một yêu cầu cấp bách hiện nay, nhằm đảm bảo giáo dục phổ thông vùng Tây Bắc đủ điều kiện hóa nhập với giáo dục cả nước.
Xét trong bối cảnh nền giáo dục Việt Nam, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 đã chỉ rõ: Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu. Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, trong đó, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lí cơ sở giáo dục là khâu then chốt và đổi mới cơ chế quản lý giáo dục là khâu đột phá. Cùng với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, giáo dục Tây Bắc, đặc biệt là giáo dục phổ thông đang đứng trước những thách thức lớn, làm thế nào đảm bảo nâng cao trí lực cho đồng bào các dân tộc trong vùng tiệm cận mức trung bình của cả nước, giúp giáo dục Tây Bắc tiến nhanh và tiến kịp tốc độ phát triển của giáo dục đất nước.
Trước những thách thức đó, đề tài “Nghiên cứu đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” được triển khai thực hiện từ tháng 9 năm 2016 với mục tiêu đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục trung học các tỉnh Tây Bắc định hướng chuẩn nghề nghiệp; xây dựng các chương trình đào tạo và bồi dưỡng đặc thù cho giáo viên và cán bộ quản lý vùng Tây Bắc; đề xuất những chính sách đặc thù, giải pháp thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý vùng Tây Bắc.
Tại buổi nghiệm thu, PGS. TS. Lê Kim Long, Chủ nhiệm đề tài đã trình bày báo cáo kết quả của đề tài sau hơn 2 năm thực hiện nghiên cứu và ứng dụng thực nghiệm, các công việc đã triển khai, những thay đổi và khó khăn trong quá trình thực hiện, mô hình bồi dưỡng thiết kế và sự khác biệt so với các mô hình đã có.
Có 4 nội dung nghiên cứu lớn được tiến hành khi thực hiện Đề tài bao gồm: Nghiên cứu cơ sở lí luận về năng lực nghề nghiệp của giáo viên và cán CBQL giáo dục vùng Tây Bắc; Khảo sát thực trạng đội ngũ cán bộ quản lí giáo dục và giáo viên vùng Tây Bắc và tác động của yếu tố vùng miền đến NLNN của CBQL giáo dục và GV vùng Tây Bắc; Xây dựng bộ tài liệu bồi dưỡng nâng cao năng lực CBQL và giáo viên vùng Tây Bắc và tập huấn cho cán bộ và giáo viên cốt cán các tỉnh Tây Bắc; Đề xuất các giải pháp và chính sách đặc thù nâng cao năng lực CBQL và giáo viên vùng Tây Bắc và chuyển giao kết quả nghiên cứu.
Chủ nhiệm đề tài chia sẻ, song song với việc nghiên cứu, Khảo sát điều tra thực trạng năng lực nghiệp của CBQLGD và GV vùng Tây Bắc, Ban chủ nhiệm Đề tài đã tổ chức thành công 03 Buổi hội thảo khoa học Cấp Quốc gia được tổ chức tại Hà Nội, Điện Biên và Hòa Bình với sự tham gia của các nhà khoa học giáo dục và quản lý giáo dục trên toàn quốc; đại diện giáo viên trung học và cán bộ quản lý giáo dục các tỉnh trong phạm vi nghiên cứu của đề tài; Tổ chức 04 Tọa đàm khoa học với sự nhà khoa học thuộc các lĩnh vực liên quan và đặc biệt là các cán bộ, giáo viên hiện đang công tác tại các tỉnh Tây Bắc, đã có nhiều năm kinh nghiệm công tác tại địa bàn, am hiểu về văn hóa, phong tục tập quán của địa phương nơi đang công tác cũng như am hiểu về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý; Tổ chức biên soạn và nghiệm thu 02 bộ tài liệu bồi dưỡng nâng cao năng lực GV và cán bộ QLGD vùng Tây Bắc; Tổ chức khóa bồi dưỡng nâng cao năng lực GV và CBQL giáo dục vùng Tây Bắc, Tổ chức 01 đoàn ra gồm các thành viên nghiên cứu chính của đề tài; đại diện cơ quan chủ trì đề tài học tập, nghiên cứu và trao đổi kinh nghiệm tại các trường đại học ở Quảng Tây; Hàng Châu và Bắc Kinh, Trung Quốc. Bên cạnh đó , Ban chủ nhiệm đề tài đã xuất bản cuốn sách chuyên khảo “Chất lượng cán bộ quản lí giáo dục và giáo viên phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc – Một số vấn đề lí luận và thực tiễn” tại Nhà xuất bản: Đại học Quốc gia Hà Nội.
Qua 2 năm nghiên cứu, trên cơ sở đánh giá thực trạng, đề tài đề xuất những giải pháp chủ yếu nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý ngành giáo dục và đào tạo đáp ứng theo yêu cầu đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay. Các giải pháp được đề tài dề cập, như: Rà soát tổng thể, đánh giá thực trạng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục vùng Tây Bắc hiện nay; Thực hiện quy hoạch, tạo nguồn đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục gắn với chiến lược phát triển vùng DTTS và miền núi nói chung và vùng Tây Bắc nói riêng; Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục vùng Tây Bắc; Bố trí, sử dụng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục vùng Tây Bắc; Xây dựng cơ chế đảm bảo thực hiện hiệu quả công tác đào tạo và phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục vùng Tây Bắc; Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của nguồn nhân lực làm giáo viên và cán bộ QLGD, nhất là đối với cán bộ là người dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc trong quá trình toàn câu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay; Gắn kết chặt chẽ giữa quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục vùng Tây Bắc trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế…..
Hội đồng nghiệm thu đã tiến hành công tác phản biện và đóng góp ý kiến để hoàn thiện Đề tài Tây Bắc. Các ý kiến phản biện đều đánh giá cao nội dung, ý nghĩa, tính ứng dụng, tiến độ triển khai của Đề tài.
GS.TSKH Vũ Minh Giang – Chủ tịch Hội đồng đánh giá cao nỗ lực của nhóm thực hiện và các kết quả đạt được của Đề tài; đề tài có ý nghĩa khoa học, ý nghĩa thực tiễn cao, vấn đề phát triển giáo dục cho miền núi, vùng dân tộc đặc biệt khó khăn là vô cùng cấp thiết, cần được coi là một khâu trọng yếu trong tiến trình xây dựng Tây Bắc phát triển bền vững, bảo vệ vững chắc an ninh và biên giới quốc gia.
Đề tài đầy đủ về mặt số lượng, khối lượng, chủng loại các sản phẩm khoa học, mục tiêu đề ra theo đề cương đã được duyệt; cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu đúng hướng. Tuy nhiên, đề tài cần làm rõ và bổ sung khái niệm thuật ngữ, rà soát loại các văn bản, bản thảo chuyên khảo nâng cao, gia cố tài liệu bồi dưỡng, gia cố hệ thống số liệu theo hướng số hóa, nâng cao kiến nghị, giải pháp của đề tài, GS.TSKH Vũ Minh Giang – Chủ tịch Hội đồng nhấn mạnh
Ghi nhận những ý kiến đóng góp và đề nghị đến từ phía Chủ tịch Hội đồng và các thành viên trong Hội đồng, PGS. TS. Lê Kim Long khẳng định nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện Đề tài.
Hội đồng nghiệm thu đánh giá mức đạt đối với đề tài NCKH cấp Nhà nước mã số KHCN - TB.21X/13-18 “Nghiên cứu đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc”.
Lan Anh – Ảnh: Ngọc Tùng - VNU Media