TS.Trần Văn Công - giảng viên Khoa Các Khoa học giáo dục, trường Đại học Giáo dục
TS có thể cho biết những khó khăn khi hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học?
Thứ nhất luôn là vấn đề thời gian. Với Trường Đại học Giáo dục, đa phần sinh viên làm nghiên cứu khoa học hai năm cuối (năm thứ 3 và 4), đây là thời điểm rất bận rộn vì vừa phải hoàn thành khá nhiều những môn học cuối cùng của chương trình đào tạo. Thường sinh viên sẽ có kỹ năng làm nghiên cứu tốt nhất ở năm cuối sau khi đã học qua phương pháp nghiên cứu và “tập dượt” ở những năm trước, đây lại là năm sinh viên Trường Đại học Giáo dục vừa phải đi kiến tập, thực tập cùng một lúc và hoàn thành khóa luận tốt nghiệp trong một khoảng thời gian không dài.
Bản thân tôi và giống như nhiều giảng viên khác, thời gian luôn khá hạn hẹp bởi một lúc vừa dạy học, vừa nghiên cứu, hướng dẫn khóa luận, luận văn, vừa thực hiện các nhiệm vụ của nhà trường, cá nhân tôi thì thêm một số công việc quản lý… nên thời gian dành cho hướng dẫn nghiên cứu khoa học luôn luôn ít. Trong khi nhiều việc khác có thể đảm bảo đời sống thì dĩ nhiên một việc như hướng dẫn nghiên cứu khoa học sinh viên - không mang lại kinh tế, sẽ không được ưu tiên.
Khó khăn thứ hai là vấn đề kinh phí. Nghiên cứu trong lĩnh vực tâm lý-giáo dục thường phải điều tra số liệu trên học sinh hoặc sinh viên. Muốn có số liệu nghiên cứu tốt thì nên có các món quà nhỏ cho các em, cho lớp học… Dù là những món quà giá trị thấp nhưng với số lượng khách thể không nhỏ thì nó cũng trở thành một khoản khá lớn đối với sinh viên chưa đi làm và chưa có thu nhập.
Cuối cùng, trong một số ít các sinh viên có trách nhiệm và tinh thần làm việc và nghiên cứu khoa học rất cao, đa số sinh viên thường không thích nghiên cứu vì khó khăn, khô khan và vất vả. Nhiều sinh viên khi làm nghiên cứu khoa học hay thậm chí làm khóa luận là trốn biệt tăm, giảng viên phải mất khá nhiều sức lực gọi lên để gặp và hoàn thành việc nghiên cứu…
Được biết TS là người thầy, nhà khoa học rất “siêu” khi hướng dẫn sinh viên nghiên cứu, những sinh viên trong và ngoài ĐHQGHN dưới sự hướng dẫn của TS luôn đạt kết quả cao nhất, TS có bí quyết gì chăng?
Thực ra từ khi đi làm thì tôi mới hướng dẫn sinh viên và học viên nghiên cứu khoa học một cách chính thức ở Trường Đại học Giáo dục. Từ năm 2014 khi về trường, các nhóm sinh viên mà tôi hướng dẫn thường đạt giải nhất và nhì tại các hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên cấp khoa và trường, sau đó có một nhóm giải nhì tài năng khoa học trẻ cấp Bộ năm 2014; một nhóm giải nhất cấp ĐHQG năm 2015; một nhóm giải nhì giải thưởng khoa học sinh viên Euréka do Thành Đoàn TP. HCM tổ chức năm 2016; một nhóm giải khuyến khích Euréka năm 2017; và năm naylà giải nhất cấp ĐHQG với đề tài của Phương.
Về bí quyết hướng dẫn sinh viên nghiên cứu, thực ra không có gì là cao siêu hay bí mật nhưng nó tuân theo các quy luật cơ bản như: Thứ nhất, nghiên cứu khoa học hay việc thực hiện một đề tài là phải là đam mê, hứng thú của sinh viên. Nếu ép hay yêu cầu sinh viên làm cái các em không quan tâm, hứng thú, dù có hay đến đâu thì đề tài cũng không có lửa, không có “chất” trong đó. Muốn tìm được hứng thú của sinh viên thì phải ngồi cùng các em trao đổi, thảo luận, giới thiệu vấn đề, phản biện ý tưởng, từ đó phát hiện những gì sinh viên thích nhưng lại trong phạm vi khả năng và sức lực các em có thể làm được. Thứ hai là đề tài nghiên cứu phải có tính thời sự, được nhiều người quan tâm, những đề tài tốt, chỉnh chu nhưng chủ đề đã cũ thì sẽ không được ai quan tâm. Và cuối cùng, giảng viên hướng dẫn nghiên cứu phải thường xuyên, liên tục động viên, khuyến khích, hỏi han tình hình và theo sát quá trình thực hiện đề tài của sinh viên. Đôi lúc cũng phải thúc ép các em một chút để tạo ra stress vừa phải nhưng tích cực để các em làm việc.
TS có những đánh giá, nhận xét như thế nào về thế mạnh về điểm yếu của sinh viên khi bước vào nghiên cứu khoa học và cần phải làm gì để khắc phục được những yếu điểm đó?
Tôi chỉ có thể nhận xét về sinh viên Trường Đại học Giáo dục thôi, là các giáo sinh (sinh viên sư phạm), học để trở thành các thầy cô giáo trong tương lai. Thực ra với mục tiêu như vậy thì sinh viên không cần biết hay học quá sâu về nghiên cứu. Tuy vậy mục tiêu của nhà trường là đào tạo ra thế hệ giáo viên vừa giỏi chuyên môn, vừa giỏi kỹ năng sư phạm, vừa có khả năng tự học hỏi và cập nhật kiến thức… do vậy cũng cần kỹ năng nghiên cứu.
Nhìn chung, đa số sinh viên sẽ không thích hoặc không quan tâm đến nghiên cứu khoa học vì nó quá khó, khô khan, vất vả. Nhiều sinh viên làm theo phong trào và cũng chỉ để hoàn thành cho có thành tích gì đó. Trong số đó, sẽ có một số lượng khá ít các em đam mê, hứng thú và nghiêm túc thực sự với nghiên cứu khoa học. Bằng cách nào đó (ví dụ cảm hứng hay tiếng tăm của thầy hướng dẫn) mà thu hút được những sinh viên như vậy thì sẽ tạo ra sản phẩm tốt nhất.
Sinh viên sẽ được học ít nhất một môn học về phương pháp nghiên cứu khoa học trong chương trình cử nhân, tuy vậy với đặc điểm về thời lượng và tổ chức lớp thì kỹ năng nghiên cứu sẽ rất khó hình thành.Giảng viên không nên kỳ vọng là sinh viên có thể làm tốt nghiên cứu khi chỉ học qua một vài lớp như vậy.Kỹ năng và thái độ làm nghiên cứu chỉ được hình thành trong chính quá trình làm nghiên cứu với sự hướng dẫn, động viên và sự nghiêm túc của người hướng dẫn.Do vậy, sinh viên khi thực hiện nghiên cứu khoa học, cần tranh thủ thời gian và phương tiện để có cách thức liên lạc và trao đổi phù hợp nhất với người hướng dẫn của mình để liên tục nhận được sự chỉ bảo, hướng dẫn, trao đổi, phản biện… để học nhanh hơn. Ví dụ nếu cả quá trình làm nghiên cứu chỉ gặp người hướng dẫn một vài lần thì không thể chất lượng, mà nên có những lịch định kỳ như gặp hàng tuần hay trao đổi thường xuyên qua điện thoại, email, các ứng dụng liên lạc…
Ngoài ra, sinh viên cần tranh thủ và dành thời gian đọc những bài báo khoa học, sách và tài liệu chuyên môn về chủ đề nghiên cứu của mình.Cố gắng đọc cả tài liệu bằng tiếng Anh, nếu tiếng Anh không tốt thì có thể sử dụng các ứng dụng dịch thuật khá tốt bây giờ.Thông qua việc đọc (tổng quan tài liệu) sẽ giúp người nghiên cứu biết cái gì đã được tìm hiểu, cái gì chưa được nghiên cứu, cái gì là mới, và cách phát hiện cái mới đó ra sao…để áp dụng luôn vào nghiên cứu của mình.
Những suy nghĩ, kì vọng của TS về sinh viên làm khoa học?
Theo như cá nhân tôi, nghiên cứu khoa học là hoạt động rất hữu ích và thiết thực, đặc biệt là đối với sinh viên. Trước hết, nghiên cứu khoa học giúp các em có được những trải nghiệm và hiểu công việc khoa học thực sự. Trong quá trình thực hiện đề tài, không ai là không gặp khó khăn, tuy nhiên đó chính là những thách thức, cơ hội để sinh viên có thể rèn luyện các kĩ năng cần thiết cho bản thân và công việc sau này như kĩ năng làm việc nhóm (nếu đề tài do một nhóm thực hiện); kĩ năng thu thập thông tin; kĩ năng tổ chức công việc và quản lý thời gian; kĩ năng giải quyết vấn đề;…
Nghiên cứu khoa học cũng giúp cho sinh viên có thêm lựa chọn nghề nghiệp khác với ngành mà mình đang theo học. Sau cả một quá trình không ngắn theo đuổi nghiên cứu, có thể sẽ có những em cảm thấy đây là hướng phù hợp và tạo ra nhiều cơ hội tốt cho bản thân thì đi theo, còn những em thấy không hợp thì coi như là một trải nghiệm rất giá trị để lựa chọn nghề nghiệp sau này.
Về kỳ vọng đối với sinh viên làm nghiên cứu khoa học, tôi không có mong muốn đặc biệt nào cả, chỉ luôn nghĩ là làm thế nào để có thể phát hiện và khơi dậy được đam mê, hứng thú của các em đối với nghiên cứu, giúp các em tìm ra thêm được một con đường nữa trong sự nghiệp của mình. Bởi một khi đã tìm được niềm đam mê và hứng thú, các em sẽ làm việc và cống hiến không biết mệt mỏi cho khoa học, cho đất nước.
Bản tin ĐHQGHN