Hiện nay Khoa Sư phạm gồm có 05 bộ môn: Bộ môn Sư phạm Toán, Bộ môn Sư phạm Khoa học Tự nhiên, Bộ môn Lý luận và phát triển nghề nghiệp, Bộ môn Ngữ văn và Khoa học Xã hội, Bộ môn Giáo dục Tiểu học với 49 giảng viên cơ hữu, 12 giảng viên kiêm nhiệm. Trong đó có 08 Phó giáo sư, 22 tiến sĩ, 07 Thạc sĩ - nghiên cứu sinh, 01 CN (giảng viên tạo nguồn), 02 cán bộ hành chính.
BỘ MÔN SƯ PHẠM TOÁN
Bộ môn Sư phạm Toán trực thuộc Khoa Sư phạm tiền thân Bộ môn Toán học trực thuộc Khoa Sư phạm thành lập theo Quyết định số 92/QĐ-TCCB ngày 18 tháng 03 năm 2011 của Hiệu trưởng trường ĐHGD và được đổi tên thành Bộ môn Sư phạm Toán theo Quyết định số 175/QĐ-ĐHGD ban hành ngày 12 tháng 02 năm 2018.
Với chức năng chính là tham gia đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên Toán chất lượng cao, tham gia triển khai đào tạo bậc cử nhân chuyên ngành Sư phạm Toán và bậc sau đại học chuyên ngành Lý luận, Phương pháp dạy học bộ môn Toán. Song song với đó, bộ môn Sư phạm Toán còn tham gia thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ giáo viên, giảng viên Toán và các chuyên gia đào tạo trong các lĩnh vực về Khoa học giáo dục.
Song song với nhiệm vụ đào đạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, phục vụ cộng đồng được Bộ môn Sư phạm Toán xác định là nhiệm vụ thường xuyên. Các chuyên gia, giảng viên cơ hữu và kiêm nhiệm của bộ môn có nhiều công trình nghiên cứu trong Toán học, trong đào tạo giáo viên sư phạm Toán được đăng trên các tạp chí khoa học uy tín, xây dựng môi trường sư phạm và nghiên cứu có tính học thuật và ứng dụng, phục vụ trong dạy học và định hướng phát triển của Khoa và Trường Đại học Giáo dục.
BỘ MÔN SƯ PHẠM KHOA HỌC TỰ NHIÊN
Bộ môn Khoa học Tự nhiên là đơn vị đào tạo và nghiên cứu chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, đơn vị ứng dụng các thành tựu nghiên cứu khoa học giáo dục mới nhất vào đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý và các nhóm nhân lực khác trong các lĩnh vực Vật Lý, Hóa học, Sinh học và Khoa học tự nhiên.
Đội ngũ cán bộ giảng viên bao gồm (03 PGS; 08 TS) trong đó có các nhà khoa học đầu ngành về khoa học cơ bản thuộc lĩnh vực KHTN, và các chuyên gia giáo dục nổi tiếng trong nước với các chương trình giáo dục tiên tiến như: Giáo dục STEM, Dạy học kết hợp (Blended learning), Tích hợp liên môn, Kiểm tra đánh giá trong giáo dục, Khoa học và Nghệ thuật dạy học, Dạy học chuyên sâu Vật lý, Hóa học và Sinh học bậc THPT, Sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học…, Phần lớn giảng viên hiện đang là Tổng chủ biên, chủ biên, tác giả Sách giáo khoa thuộc Chương trình GDPT 2018. Ngoài công tác giảng dạy, giảng viên của Bộ môn Khoa học tự nhiên thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, chủ trì, tham gia các đề tài, dự án, nhiệm vụ khoa học trọng điểm cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp Đại học Quốc gia Hà Nội và cấp cơ sở; viết bài báo, báo cáo khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín trong nước và quốc tế thuộc danh mục ISI/SCOPUS. Nhiều giảng viên đã tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học Quốc tế và thường xuyên có các trao đổi học thuật với các chuyên gia giáo dục tiên tiến trên thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Nga, Đài Loan,…
Từ những ngày đầu thành lập đến nay Bộ môn KHTN kết hợp với các đơn vị khác trong trường đào tạo hàng trăm sinh viên và học viên cao học chất lượng cao. Tỉ lệ cao các sinh viên, học viên các chuyên ngành sư phạm Vật lý, Hóa học, Sinh học, Khoa học tự nhiên sau khi tốt nghiệp có việc làm trong các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập. Trong những năm tới bộ môn mở rộng đào tạo các môn KHTN bằng tiếng Anh như một sự thích ứng với chuẩn Quốc tế và đào tạo tiến sĩ ngành Lí luận, phương pháp và công nghệ dạy học là một minh chứng cho sự lớn mạnh không chỉ về chất lượng mà cả số lượng.
Cùng với sự phát triển không ngừng của Trường Đại học Giáo dục và Khoa Sư phạm. Hai mươi năm qua, Bộ môn KHTN với định hướng nghiên cứu nằm trong tốp đầu của Việt nam về giáo dục khoa học tự nhiên đạt trình độ tiên tiến của châu Á hướng tới mục tiêu đào tạo giáo viên chất lượng cao và giáo dục vì ngày mai (Educator for tomorrow). Toàn thể giảng viên Bộ môn KHTN đoàn kết hướng đến mục tiêu giáo dục là đào tạo người học có nhân cách trưởng thành, nắm vững kiến thức khoa học tự nhiên và kỹ năng nghề nghiệp, có tinh thần chuyên nghiệp, thái độ tận tâm và sự sáng tạo trong công việc.
BỘ MÔN LÝ LUẬN PHÁT TRIỂN NGHỀ NGHIỆP VÀ NĂNG LỰC NGOẠI NGỮ CHUYÊN MÔN
Bộ môn Lý luận phát triển nghề nghiệp và năng lực ngoại ngữ chuyên môn trực thuộc khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục, được thành lập theo quyết định số 178/QĐ-ĐHGD ngày 12 tháng 02 năm 2018 của Hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội với tên ban đầu là Lí luận dạy học và phát triển kĩ năng nghề nghiệp. Theo Quyết định số 2573/QĐ- ĐHGD của HT Trường ĐHGD ngày 30 tháng 12 năm 2022, Bộ môn đổi tên thành Lí luận phát triển nghề nghiệp và năng lực ngoại ngữ chuyên môn.
Bộ môn phụ trách các học phần trong đào tạo cử nhân: Lí luận dạy học, Phương pháp dạy học hiện đại, Đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực giáo dục; phụ trách học phần Lí luận và công nghệ dạy học hiện đại trong đào tạo thạc sĩ. Bộ môn còn là đầu mối trong xây dựng kế hoạch và triển khai công tác Thực tập SP & RN cho SV sư phạm. Cụ thể chức năng và nhiệm vụ của BM như sau:
- Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên trước khi thực hiện nội dung kiến tập - thực tập sư phạm tại các trường phổ thông.
- Tư vấn các vấn đề về nghiệp vụ sư phạm, định hướng nghề nghiệp cho sinh viên trường ĐHGD cũng như học sinh trường Trung học phổ thông Khoa học giáo dục thuộc trường ĐHGD.
- Xây dựng kế hoạch, nội dung triển khai cho các hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, công tác KT-TTSP hàng năm cho sinh viên.
- Tư vấn các vấn đề về Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.
- Nghiên cứu các vấn đề về Lí luận dạy học bộ môn
+ Nghiên cứu, triển khai các vấn đề về thực tập sư phạm, rèn luyện và phát triển nghề nghiệp cho sinh viên sư phạm theo định hướng năng lực.
+ Nghiên cứu, triển khai các vấn đề về hoạt động trải nghiệm theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
- Nghiên cứu xây dựng và triển khai các CT bồi dưỡng giáo viên, đào tạo và tập huấn; Tìm kiếm đối tác hợp tác về nghiên cứu triển khai trong các lĩnh vực LLDH, phát triển nghề nghiệp.
- Tham mưu cho Chủ nhiệm Khoa trong bồi dưỡng nghiệp vụ dạy học bằng ngoại ngữ; xây dựng và tổ chức các chương trình bồi dưỡng năng lực dạy học Toán, các môn KHTN, KHXH, Ngữ văn, Giáo dục tiểu học, Giáo dục Mầm non bằng tiếng Anh và ngoại ngữ khác theo yêu cầu.
BỘ MÔN SƯ PHẠM NGỮ VĂN VÀ KHOA HỌC XÃ HỘI
Bộ môn Ngữ văn và KHXH tiền thân là Bộ môn Khoa học Xã hội thuộc khoa Sư phạm, ĐHQG Hà Nội. Ngày 03 tháng 4 năm 2009, trường Đại học Giáo dục chính thức được thành lập, Khoa Sư phạm trở thành một đơn vị đào tạo trong trường. Bộ môn Khoa học Xã hội cũng được thành lập lại, có nhiệm vụ chính trong đào tạo giáo viên các môn Ngữ văn, Lịch sử theo mô hình mới.
Đào tạo giáo viên theo triết lý của Đại học Quốc gia Hà Nội là mô hình 3+1, về sau là A+B, nghĩa là trước khi trở thành giáo viên, các bạn sinh viên cần được đào tạo tương ứng với trình độ khoa học cử nhân. Triết lý đó thể hiện sự coi trọng phẩm chất khoa học, cũng như sự năng động, khả năng thích ứng, sáng tạo của sinh viên sau tốt nghiệp.
Đội ngũ giảng viên của Bộ môn có nhiều kinh nghiệm, được tổ chức linh hoạt, năng động trong toàn trường, cũng như có sự gắn kết với toàn khối Đại học Quốc gia Hà Nội. Cán bộ cơ hữu gồm 09 người, các giảng viên khác là cán bộ kiêm nhiệm, thuộc các phòng, ban và các khoa khác trong trường; đặc biệt, bộ môn còn có sự hậu thuẫn mạnh mẽ của đội ngũ giảng viên cao cấp, có nhiều kinh nghiệm đào tạo và nghiên cứu thuộc Đại học KHXH & Nhân văn, có sự phối kết hợp với khoa Ngữ văn thuộc các cơ sở tạo giáo viên như: ĐHSP Hà Nội, ĐHSP Hà Nội 2, Viện Khoa học Giáo dục,… Các giảng viên đều có nhiều sách chuyên khảo, tham khảo, bài báo khoa học đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành, nhà xuất bản có uy tín trong nước và thế giới.
Các ngành được đào tạo tại bộ môn bao gồm: Ngành Sư phạm Ngữ văn; Sư phạm Lịch sử, Sư phạm Lịch sử và Đại lí gồm Cử nhân (Đại học), Thạc sĩ và chương trình đào tạo Tiến sĩ chuyên ngành Lý luận, Phương pháp và Công nghệ dạy học (trong đó bao gồm cả Lý luận và Phương pháp dạy học Ngữ văn, Lịch sử).
Sinh viên tốt nghiệp ra trường thường được tuyển vào dạy học tại các trường quốc tế, trường chất lượng cao ở Hà Nội. Cũng có nhiều sinh viên được tuyển dụng dạy học và công tác giáo dục tại các trường công lập, các Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng như ở các cơ sở giáo dục khác. Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp từ 6 tháng – 1 năm là 95%.
BỘ MÔN GIÁO DỤC TIỂU HỌC
Bộ môn Giáo dục Tiểu học thuộc Khoa Sư phạm, trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ngày 03 tháng 4 năm 2009, Trường Đại học Giáo dục chính thức được thành lập, Khoa Sư phạm trở thành một đơn vị đào tạo trong trường. Bộ môn Giáo dục Tiểu học được thành lập năm 2020 để thực hiện nhiệm vụ chính trong việc đào tạo sinh viên cử nhân ngành Giáo dục Tiểu học.
Ngoài ra, giảng viên của bộ môn đều tham gia công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên phổ thông. Nhiệm vụ nghiên cứu khoa học: chủ trì và tham gia các đề tài khoa học cấp cơ sở, cấp tỉnh; viết báo cáo và bài báo khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín trong nước và quốc tế (hệ thống SCOPUS/ISI); tham gia xây dựng chương trình, viết sách giáo khoa, viết sách tham khảo cho chương trình 2018. Nhiệm vụ khác: coi thi, chấm thi, cố vấn học tập, hướng dẫn sinh viên kiến tập và thực tập sư phạm, hướng dẫn sinh viên và học viên nghiên cứu khoa học, tham gia các công tác đoàn thể,…